THE RESURRECTION OF THE SON OF GOD (2003) – N.T. WRIGHT
(SỰ SỐNG LẠI CỦA CON ĐỨC CHÚA TRỜI)
“The Resurrection of the Son of God” là một trong những công trình nghiên cứu toàn diện nhất về sự sống lại bằng thân thể của Chúa Giê-xu, là Tập 3 trong bộ sách 4 Tập “Christian Origins and the Question of God” (Nguồn Gốc Cơ Đốc Giáo và Câu Hỏi về Đức Chúa Trời) của N.T. Wright.
Sách này là công trình nghiên cứu các bằng chứng lịch sử về sự sống lại của Chúa Giê-xu. Wright lập luận rằng cách giải thích hợp lý nhất cho đức tin Cơ Đốc về Chúa Phục Sinh là việc Chúa Giê-xu thật sự đã sống lại về mặt thể xác. Có nhiều giả thuyết về sự phục sinh được đưa ra, nhưng ông đã bác bỏ các giả thuyết này, chứng minh rằng sự sống lại thực thể là trọng tâm của thế giới quan Cơ Đốc.
I. Trước tiên, Wright khảo sát các quan niệm cổ đại về sự sống sau khi chết, bao gồm:
- Tư tưởng Hy-La (quan điểm Plato): cho rằng linh hồn là bất tử và sẽ thoát khỏi thể xác sau khi chết, chứ không có chỗ cho sự sống lại thân thể.
- Do Thái giáo: cho rằng có sự sống lại của thân thể vào thời kỳ cuối cùng trong một cuộc phục sinh chung của nhân loại (Đa-ni-ên 12:2). Tuy nhiên, không có người Do Thái nào tin rằng có cá nhân sống lại trước sự phục sinh chung của nhân loại.
Vì thế quan niệm của người Do Thái và thế giới Hy-La về sự sống sau khi chết rất khác biệt với tuyên bố của Cơ Đốc giáo về sự sống lại của thân thể.
Niềm tin của các Cơ Đốc nhân đầu tiên về sự sống lại của thân thể trước cuộc phục sinh chung là hoàn toàn mới mẻ và chỉ có thể thuyết phục được bằng một sự kiện sống lại có thật trong lịch sử. Sự sống lại là yếu tố trung tâm của bản sắc và thần học Cơ Đốc, định hình sự hiểu biết của các Cơ Đốc nhân thời kỳ đầu về thần tính và chức vụ của Chúa Giê-xu.
II. Sự Sống Lại theo Cơ Đốc Giáo
- Lời chứng của các Cơ Đốc nhân thời kỳ đầu không nói về một sự tồn tại thuộc linh sau khi chết (theo quan điểm Hy-La), mà là sự sống lại của thân thể. Ngôi mộ trống và các lần hiện ra sau khi sống lại là nền tảng của đức tin Cơ Đốc.
- Có thể nói các Cơ Đốc nhân đầu tiên vẫn giữ quan niệm sống lại theo phong cách Do Thái, nhưng với một điểm khác biệt độc đáo: sự sống lại của Chúa Giê-xu là một sự kiện lịch sử đã xảy ra, chứ không phải sẽ xảy vào thời điểm cáo chung của thế giới theo quan niệm Do Thái.
III. Sự Sống Lại và Bản Thể của Chúa Giê-xu
- Nếu Chúa Giê-xu đã sống lại, điều đó chứng thực Ngài chính là Đấng Mê-si-a.
- Sự sống lại tái định nghĩa niềm tin độc thần, do vậy các Cơ Đốc nhân đầu tiên xem Chúa Giê-xu là một phần trong bản thể Đức Chúa Trời.
- Sự sống lại khẳng định Chúa Giê-xu là Chúa của thế gian, định hình sứ mệnh của Hội Thánh.
IV. Các Giả Thuyết về Sự Sống Lại của Chúa Giê-xu
- Các môn đồ có bịa đặt ra câu chuyện Chúa sống lại không?
Điều này khó xảy ra. Các môn đồ của Chúa sống trong thời đại của họ và cũng chịu ảnh hưởng của các quan niệm thống trị thời đại. Họ không hề biết rằng Chúa sẽ sống lại, vì người Do Thái không hề mong đợi một sự phục sinh cá nhân trước kỳ chung kết của thế giới. Họ kinh ngạc khi nghe lời chứng của những người nữ về ngôi mộ trống, và sững sờ khi Chúa hiện ra với họ.
- Sự sống lại chỉ là ẩn dụ hay biểu tượng hay khải tượng?
Wright bác bỏ giả thuyết này, ông chỉ ra rằng trong cả Kinh Thánh lẫn niềm tin Do Thái, sự sống lại luôn được hiểu là sự phục hồi thân thể thật sự, chứ không chỉ là một biểu tượng.
- Liệu thân thể của Chúa Giê-xu có thực sự rời khỏi mộ không?
Ngôi mộ trống có thể do thi thể bị đánh cắp hoặc giấu đi. Nhưng ngôi mộ trống và những lần Chúa hiện ra sau đó được ghi nhận trong lịch sử cho thấy sự sống lại là lời giải thích duy nhất.
V. Kết Luận
Wright lập luận rằng cách giải thích lịch sử hợp lý duy nhất cho sự ra đời của Cơ Đốc giáo là Chúa Giê-xu thật sự đã sống lại về mặt thể xác. Sự sống lại này không chỉ là một khái niệm thần học mà là một sự kiện lịch sử thực sự, biến đổi phong trào Cơ Đốc giáo thời kỳ đầu.
VỀ TÁC GIẢ N. T. WRIGHT (1948 - )
N. T. Wright là một học giả Tân Ước và thần học gia có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất thời hiện đại với công trình nghiên cứu về Chúa Giê-xu lịch sử và thần học Phao-lô.
Sinh ngày 1 tháng 12 năm 1948 tại Northumberland, Anh Quốc, ông nay 76 tuổi, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại trường Thần Học Wycliffe Hall thuộc Đại Học Oxford, Anh Quốc.
Từng giữ chức Giám Mục Durham (2003–2010), một trong những vị trí quan trọng nhất trong Giáo Hội Anh Quốc giáo, Wright cũng từng giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng như Cambridge, McGill (Canada), Oxford và St. Andrews (Scotland), chuyên về Cơ Đốc giáo thời kỳ đầu và nghiên cứu Kinh Thánh.
Là một tiếng nói hàng đầu trong việc kết nối thần học học thuật với Hội Thánh, ông thường xuyên giảng dạy và tương tác với giới học giả lẫn cộng đồng tín hữu.
Wright thường xuyên được trích dẫn trong cả các nghiên cứu học thuật lẫn các cuộc thảo luận Cơ Đốc phổ thông. Những cuộc tranh luận và đối thoại của ông với các nhân vật như John Piper, Bart Ehrman và nhiều học giả khác đã định hình các cuộc thảo luận thần học vượt qua ranh giới giáo phái. Với tư cách là một mục sư, Wright cũng trực tiếp làm việc với các lãnh đạo hội thánh trên toàn cầu, góp phần vào giáo dục thần học lẫn thực hành mục vụ.
Các công trình nghiên cứu của ông tiếp tục là tài liệu tham khảo quan trọng trong các công trình nghiên cứu về Chúa Giê-xu với tính cách nhân vật lịch sử, về Do Thái giáo thời Đền Thờ thứ hai và Thần Học Phao-lô.
Bạn đọc nghiên cứu có thể mượn sách “The Resurrection of the Son of God” (U.S.A: Fortress, 2003, 817 trang) và các sách khác của tác giả N.T. Wright tại Thư Viện Cơ Đốc qua link: /sach/13955?keywords=Wright%2C%20N.%20T.&field=245%24c