TESTIMONY by BETH DRUMMOND
Suy Niệm Nhân Mùa Thương Khó-Phục Sinh 2025
Tại Nhà Nguyện Deland Alliance - Ngày 30 tháng 3, 2025
Sự Chết Dẫn Đến Sự Sống
“...Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu hạt lúa mì không rơi xuống đất và chết đi, nó vẫn chỉ là một hạt thôi; nhưng nếu chết đi, nó được kết quả nhiều. Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai ghét mạng sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Nếu ai phục vụ Ta thì phải theo Ta; và Ta ở đâu, người phục vụ Ta cũng sẽ ở đó. Nếu ai phục vụ Ta thì Cha Ta sẽ tôn quý người.” (Giăng 12:24-26 - BHĐ)
Không biết các môn đồ của Chúa Jêsus đã hiểu lời phán trên như thế nào, khi mà vào thời điểm đó họ vẫn đang mong đợi Chúa thiết lập vương quốc của Ngài trên đất? Tại sao Ngài lại nói về sự chết?
Tôi muốn chia sẻ một phần trong câu chuyện vượt không gian và thời gian này...
Tôi lớn lên ở Việt Nam. Cha mẹ tôi, Bob và Marie Ziemer, đến Việt Nam vào năm 1947, khi tôi mới ba tuổi. Họ không được phân công hầu việc Chúa giữa vòng người Việt, mà với một trong 54 dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên – người Ê-đê.
Các giáo sĩ nước ngoài và mục sư truyền giáo người Việt thuộc Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp đã bắt đầu làm việc giữa vòng người Ê-đê từ năm 1937. Người Ê-đê theo tín ngưỡng vật linh (animists) – họ tin chắc vào một thế giới tâm linh và thường xuyên làm vui lòng các thần linh bằng cách cúng tế trâu, gà, v.v.
Hội Thánh người Ê-đê bắt đầu phát triển khi người Ê-đê hiểu được về tình yêu của Chúa và quyền năng của Ngài trên các tà linh.
Cha mẹ tôi bắt đầu công tác truyền giáo tại thành phố Ban Mê Thuột với việc học tiếng Ê-đê, mở mang hội thánh, đào tạo mục sư và lãnh đạo, xây dựng trường Kinh Thánh, và dịch Kinh Thánh sang tiếng Ê-đê. Tôi vẫn nhớ rất rõ cảnh cha tôi cùng một mục sư người Việt và một mục sư người Ê-đê ngồi quanh bàn ăn trong nhà mỗi tuần vài đêm để dịch từng câu Kinh Thánh sang tiếng Ê-đê. Lúc ấy cũng có một nữ giáo sĩ trẻ tên Carolyn Griswold đến để giúp về mục vụ thanh thiếu niên và thiếu nhi.
Tôi rất vui khi nhớ lại hình ảnh cuộc sống những ngày trước khi chiến tranh nổ ra: những con voi đi ngang qua sân trước nhà chúng tôi, những con hổ băng ngang đường khi chúng tôi lái xe từ nhà thờ trong buôn làng về nhà vào ban đêm, đất đỏ màu mỡ, hương thơm của đồn điền cà phê, và mùi hoa nhài và hoa bạch thiên hương thoang thoảng trong đêm… Thật là những ký ức tươi đẹp!
Nhưng rồi tôi cũng biết về một thực tế khác song song với những hình ảnh tươi đẹp này, đó là bệnh phong, một căn bệnh khủng khiếp và lan rộng, ảnh hưởng đến rất nhiều người dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc phát triển một chương trình y tế với các phòng khám ngoại trú và một bệnh viện để chăm sóc chuyên sâu và thực hiện các ca phẫu thuật cần thiết là rất thiết yếu. Vậy là các y tá và bác sĩ đã đến tham gia vào chương trình này. Vì bệnh phong có tính lây nhiễm cao nên chính phủ đã yêu cầu Hội Truyền Giáo xây dựng trại phong ở ngoại ô thành phố Ban Mê Thuột. Khi tôi nhận thức rõ hơn về căn bệnh kinh hoàng này và tình trạng thiếu nhân sự về y tế, tôi đã được Chúa kêu gọi để trở thành một y tá truyền giáo. Một số bạn thân nhất của tôi cũng là y tá truyền giáo. Tôi rất ngưỡng mộ khi chứng kiến những người bạn y tá tận tâm chăm sóc các bệnh nhân đang chịu đựng nỗi đau tột cùng do căn bệnh này gây ra.
Trong những năm tôi lớn lên, Hội Thánh người Ê-đê ngày càng phát triển, chương trình y tế được mở rộng, và chiến tranh cũng dần leo thang. Vào năm 1962, có ba nhân sự y tế của trại phong bị mất tích là bác sĩ Ardell Vietti, y tá trẻ Dan Gerber và Giám Đốc trại phong Mục Sư Archie Mitchell. Người ta cho rằng họ đã chết trong rừng. Sau sự kiện đó, Hội Truyền Giáo quyết định không cho phép giáo sĩ nước ngoài ở lại trong trại phong ở ngoại ô thành phố nữa, nhưng việc điều trị cho những người mắc bệnh phong vẫn tiếp tục. Hội cho xây dựng thêm một phòng khám da liễu trong khuôn viên nhà thờ để điều trị ngoại trú. Có nhiều nhân viên y tế từ Hoa Kỳ và Canada đã đến làm việc tại đây cùng với đội ngũ nhân viên y tế địa phương.
Nhiều nhân sự khác cũng đồng hành với cha mẹ tôi, và hội thánh tiếp tục phát triển ở nhiều buôn làng. Ngày càng có nhiều thanh niên nam nữ được đào tạo để trở thành lãnh đạo và mục sư. Cha tôi từng là hiệu trưởng Trường Kinh Thánh Ê-đê, ông làm việc chặt chẽ với một mục sư người Ê-đê và mục sư này trở thành hiệu trưởng trường sau này. Việc dịch Tân Ước vẫn tiếp tục mỗi ngày. Sau này khi đọc lại nhật ký của cha, tôi nhận ra rằng vào thời kỳ đầu đó, có khi ban dịch thuật chỉ dịch được vài câu nhiều hơn đoạn Kinh Thánh sẽ được sử dụng để dạy cho lớp học trường Kinh Thánh ngày hôm sau.
Năm 1960, khi 15 tuổi, tôi không theo cha mẹ ở Việt Nam nữa mà ở lại Hoa Kỳ để hoàn tất chương trình trung học tại Học Viện Toccoa Falls. Chính tại đây, tôi gặp Rick Drummond, lúc ấy đang là sinh viên của Trường Cao Đẳng Toccoa Falls. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi tiếp tục theo học tại Trường Kinh Thánh Fort Wayne và Trường Điều Dưỡng Bệnh Viện Lutheran ở tiểu bang Indiana.
Rick và tôi kết hôn vào năm 1965, chỉ ba tuần sau khi cha mẹ tôi trở về Hoa Kỳ cho một năm nghỉ phép. Khi đó, Rick chưa từng gặp cha mẹ tôi, và tôi thì đã sống xa họ suốt năm năm trời. Rick lúc đó đang là mục sư phụ tá tại Fort Wayne, Indiana, còn tôi thì sắp sửa hoàn tất chương trình học y tá, nhưng chúng tôi cố gắng dành tối đa thời gian rảnh để thăm viếng cha mẹ tôi ở Toledo, bang Ohio. Trong một lần đến thăm, cha tôi đã tự hào khoe với tôi vài thùng sơn xi măng màu xanh lá cây mà ông đã mua tại một cửa hàng vật liệu xây dựng để mang trở lại Việt Nam. Ông dự định sẽ sơn lại sàn xi măng xám xịt trong ngôi nhà của mình ở đó.
Năm 1966, cha mẹ tôi trở lại công việc của họ tại Ban Mê Thuột – giảng dạy tại Trường Kinh Thánh, tiếp tục dịch Tân Ước và một phần Cựu Ước, hướng dẫn nhóm giáo sĩ và khích lệ các lãnh đạo trẻ người Ê-đê. Cha mẹ cũng mong chờ ngày chúng tôi đến Việt Nam, vì lúc đó Rick và tôi đã nộp đơn hầu việc Chúa ở nước ngoài và cũng đã được Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (C&MA) chấp thuận và phân công đến Việt Nam vào mùa thu năm 1967.
Khi đến Sài Gòn, chúng tôi bay đến Ban Mê Thuột vài hôm để thăm cha mẹ tôi và những người bạn khác. Sau đó, chúng tôi đi Đà Lạt để học tiếng Việt. Đến kỳ nghỉ Giáng Sinh, chúng tôi lại quay về Ban Mê Thuột với cha mẹ tôi. Đó là một khoảng thời gian đặc biệt vì gia đình chúng tôi đã phải sống xa nhau nhiều năm.
Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh cha tôi rất tự hào khoe với tôi sàn nhà xi măng mới được sơn lại màu xanh lá cây từ những thùng sơn mua từ Mỹ về. Nền nhà trông sáng sủa hơn nhiều, và ông rất vui về điều đó. Chúng tôi trải qua mùa Giáng Sinh năm đó cùng với gia đình, anh chị em trong Hội Truyền Giáo và bạn bè người Ê-đê thật vui vẻ và tràn đầy ý nghĩa. Số tín hữu Tin Lành người Ê-đê lúc bấy giờ đã lên đến khoảng 20.000 – 30.000 người.
Ngày đầu năm, 1 tháng 1 năm 1968, Rick và tôi rời Ban Mê Thuột trở lại Đà Lạt để tiếp tục học tiếng Việt. Cuối tháng 1, vào dịp Tết Âm Lịch của người Việt, cuộc Tổng Tiến Công Mậu Thân đã xảy ra. Nhiều thành phố lớn bị lâm vào tình trạng khẩn cấp, trong đó có Đà Lạt là nơi chúng tôi đang học tiếng. Chúng tôi được di tản khỏi Đà Lạt. Tuy nhiên, ở một số thành phố khác, trong đó có Ban Mê Thuột, giao tranh diễn ra quá dữ dội khiến người nước ngoài không thể rời đi được. Vì vậy, cha mẹ tôi và nhóm giáo sĩ ông phụ trách đã bị kẹt lại. Khi chiến sự đang diễn ra ác liệt, trong vai trò phụ trách nhóm giáo sĩ tại Ban Mê Thuột, cha tôi cố gắng tạo mối liên lạc với bên ngoài để báo cho họ biết là cả nhóm giáo sĩ đều không có vũ trang, một vài người đang bị thương và không có ai là người nguy hiểm. Từ hầm trú bom, ông đã bước ra để tìm cách đối thoại, tay vẫy khăn trắng tỏ dấu hòa bình, nhưng đã bị bắn ngay khi đang cố gắng nói chuyện. Cùng bị bắn chết lúc đó còn có y tá Ruth Wilting, vợ chồng Mục Sư Edward và Ruth Thompson, Carolyn Griswold, phụ trách mục vụ thanh thiếu niên, cùng cha của cô là Leon Griswold, một kế toán viên tình nguyện. Mẹ tôi, Marie Ziemer, thì bị thương nặng, và là người duy nhất sống sót. Bà được đưa trở lại Hoa Kỳ để chữa trị và hồi phục. Ngoài ra, trước đó tại Đắk Lắk cũng có hai giáo sĩ khác bị mất tích là y tá Betty Olson và chuyên gia dịch thuật Kinh Thánh hội Wycliff, Hank Blood. Nhiều người dân tộc thiểu số cũng bị tử nạn hoặc bị thương, và hầu hết các cơ sở của Hội Truyền Giáo đều bị phá hủy. Những công việc phải mất nhiều năm gây dựng giờ đây dường như đã bị hủy hoại chỉ trong vài giờ ngắn ngủi.
Sau đó Rick và tôi trở về Hoa Kỳ vài tháng để giúp mẹ tôi thích nghi với mất mát quá lớn này của bà. Khi chúng tôi đang tính toán xem có quay lại Việt Nam hay không, mẹ tôi đã gọi chúng tôi vào phòng bà và nói: “Nếu Chúa đã kêu gọi các con đến Việt Nam thì các con phải trở lại. Chúa sẽ chăm sóc mẹ và Ngài cũng sẽ chăm sóc các con.” Mẹ tôi đã sống đến năm 93 tuổi và là nguồn phước cho rất nhiều người trong những năm còn lại của cuộc đời bà.
Rick và tôi trở lại Đà Nẵng để tiếp tục học tiếng Việt. Một năm sau cuộc Tổng Tiến Công Tết Mậu Thân, vào tháng 1 năm 1969, chúng tôi có dịp quay trở lại Ban Mê Thuột cùng với Tom và Donna Stebbins (vị giáo sĩ đàn anh của chúng tôi và cũng là anh trai của Ruth Thompson) để thăm viếng một số tín hữu Ê-đê và hai nữ giáo sĩ y tá Millie Ade và Betty Mitchell tại đó. Hai nữ giáo sĩ này đã được kêu gọi quay trở lại để an ủi và khích lệ hội thánh sau tổn thất quá lớn mà họ đã phải gánh chịu.
Lúc đó, tôi đang mang thai đứa con đầu lòng. Khi trở về khuôn viên Hội Truyền Giáo, tôi nhìn về phía ngôi nhà nơi cha mẹ tôi đã sống và nơi tôi đã lớn lên. Tất cả chỉ còn là một đống đổ nát. Tôi bật khóc và cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, tại sao Ngài lại để những đầy tớ tài năng của Ngài, trong đó có cha con – một người mới chỉ 49 tuổi – phải chết theo cách này? Vẫn còn biết bao mục sư trẻ cần được đào tạo, vẫn còn phần lớn Kinh Thánh chưa được dịch sang tiếng Ê-đê… Làm sao điều này có thể nằm trong kế hoạch của Ngài?”
Bước chầm chậm qua đống đổ nát đó, tôi trông thấy những mảnh xi măng màu xanh lá cây vỡ vụn… và giữa những mảnh vỡ ấy, một đóa bạch thiên hương trắng muốt, không tì vết, đang vươn lên. Khi nhìn ngắm bông hoa tuyệt hảo này vươn mình qua những mảng xi măng xanh, tôi dường như nghe thấy Chúa nói với tôi: “Trước mắt con, tất cả chỉ là đổ nát, hủy diệt và sự chết, nhưng Ta sẽ mang đến điều tươi đẹp từ đây. Hãy tin Ta.” “Thật vậy, Ta bảo các con: Hạt giống lúa mì gieo xuống đất không chết đi thì hạt giống vẫn hoàn hạt giống, còn nếu chết đi thì mới kết quả thêm nhiều!” (Giăng 12:24)
Tôi cảm thấy được an ủi khi suy gẫm về những lời của Chúa: Ngài là Đấng có thể đem sự sống từ cõi chết.
Rick và tôi tiếp tục hầu việc Chúa nhưng với người Việt tại một khu vực ở miền Trung, trong lúc các giáo sĩ khác được cử đến Đắk Lắk để truyền giáo cho dân tộc thiểu số trong nhiều mục vụ khác nhau như huấn luyện nhân sự, dịch Kinh Thánh sang các thứ tiếng dân tộc (Ê-đê, M’nông, Gia Rai), và mục vụ y tế.
Năm 1975, khi Việt Nam thống nhất và tất cả các giáo sĩ rời đi, thì Hội Thánh Ê-đê đã phát triển lên đến khoảng 30.000 – 40.000 tín hữu. Mặc dù sau đó có một số mục sư và tín đồ ở trại cải tạo, hội thánh vẫn tiếp tục lớn mạnh.
Gần đây, tôi nhận được tin từ một người bạn rất nhiệt tình thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cho hay rằng vào năm 2022, số tín hữu Ê-đê đã lên đến khoảng 165.000. Toàn bộ Kinh Thánh đã được dịch sang tiếng Ê-đê, M’nông, Gia Rai và một số ngôn ngữ dân tộc khác nữa.
Tổng số tín hữu Tin Lành tại Việt Nam hiện nay là khoảng 1,759 triệu người và vẫn đang tăng lên mỗi ngày. Số tín hữu dân tộc thiểu số chiếm một phần lớn trong số đó. Vì vậy, sứ mệnh truyền giáo tưởng chừng như có vẻ đã thất bại hóa ra lại là một chiến thắng vinh quang – Chúa đã đem sự sống từ đống tro tàn của sự chết.
Nước Chúa vẫn đang mở rộng khắp Việt Nam, sự chết của cha tôi và các những người tuận đạo khác trong chiến tranh không phải là vô ích. Tôi vô cùng vui mừng khi có thể chia sẻ câu chuyện có thật này với các bạn hôm nay.
BETH (ZIEMER) DRUMMOND