INTERVIEW
CHÚA GIÊ-XU CÓ THẬT SỰ SỐNG LẠI TỪ CÕI CHẾT KHÔNG?
Nữ Mục Sư Tish Warren Phỏng Vấn Mục Sư N.T. Wright
Nữ Mục Sư Tish Warren: Lễ Phục Sinh đánh dấu cao điểm của Cơ Đốc giáo, khi hàng tỉ Cơ Đốc nhân trên khắp thế giới kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Giê-xu – niềm hy vọng trung tâm của đức tin Cơ Đốc. Có lẽ không ai trên thế giới này nghiên cứu về sự kiện Chúa phục sinh nhiều hơn học giả N.T. Wright. Ông hiện là nhà nghiên cứu cao cấp tại đại học Oxford, Anh Quốc, và là giáo sư danh dự về Kinh Thánh Tân Ước tại Đại học St. Andrews. Ông đã viết hơn 80 cuốn sách tập trung vào Chúa Giê-xu và những môn đồ đầu tiên của Ngài. Ông từng là giám mục địa phận Durham – Anh Giáo.
Một trong những tác phẩm của ông, The Resurrection of the Son of God (Sự Phục Sinh của Con Đức Chúa Trời), là một nghiên cứu học thuật chuyên sâu về các cuộc tranh luận xoay quanh sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Tôi đã phỏng vấn tác giả Wright về công trình nghiên cứu của ông đối với những lời Chúa Giê-xu đã phán về sự phục sinh của Ngài, những lời vốn gây kinh ngạc và làm thay đổi cả thế giới. Cuộc phỏng vấn này đã được biên tập và tóm lược.
*****
Tish Harrison Warren (WARREN): Cuốn sách của ông, The Resurrection of the Son of God, trình bày về sự phục sinh của Chúa Giê-xu như một sự kiện có thật về mặt thể xác và lịch sử, chứ không chỉ là một ẩn dụ hay một trải nghiệm thuộc linh. Vì sao điều này lại quan trọng như vậy?
N.T. Wright (WRIGHT): Tôi ý thức rất rõ rằng có nhiều người – kể cả một số người trong hội thánh – đã xem sự Phục Sinh như một cách nói chung chung về sự tái sinh của hy vọng, hoặc một ẩn dụ về trải nghiệm tâm linh. Trong Kinh Thánh Tân Ước, khái niệm phục sinh đôi khi được sử dụng theo nghĩa bóng để nói về một đời sống đạo đức mới, một đời sống hoàn toàn biến đổi. Nhưng cũng trong Tân Ước, một đời sống biến đổi luôn dựa trên cơ sở Chúa phục sinh theo nghĩa điều đó đã thực sự đã xảy ra, chứ không phải là ẩn dụ.
Vào thế kỷ thứ nhất, từ “phục sinh” trong tiếng Hy Lạp (anastasis) không có nghĩa mơ hồ hay chung chung về một điều có thể xảy ra hoặc về niềm hy vọng được tái sinh. Từ anastasis luôn chỉ về là một người đã chết về thể xác nay được phát hiện là thân thể sống lại. Tôi đã trình bày chi tiết trong sách “The Resurrection of the Son of God” là tất cả các Cơ Đốc nhân thời kỳ đầu cho đến khoảng 150 năm sau thời Chúa Giê-xu, khi họ nói về “sự phục sinh” thì họ muốn nói đến sự sống lại thật sự của thân thể.
Không có nghi ngờ gì về việc các môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-xu sử dụng từ anastasis để nói về Ngài, họ có ý nói rằng Ngài đã sống lại bằng thân thể, mặc dù là với một thân thể mới. Ta có thể hình dung như Chúa đã đi qua một đường hầm mà ngõ bước vào là sự chết, ngõ bước ra là một thế giới mới, nơi Ngài có một thân thể cụ thể dù thân thể đó khác với trước đây. Nếu chúng ta không thừa nhận điều này thì có nghĩa chúng ta đã không coi trọng lời làm chứng của họ.
Khi ấy cũng như bây giờ, việc tuyên bố rằng một người đã sống lại – đặc biệt là một người đã từng đưa ra những lời phán dạy như Chúa Giê-xu từng làm – thì quả là một tuyên bố mang tính cách mạng. Đây sẽ là câu chuyện nguy hiểm1. Vì vậy, nếu ai trong chúng ta không thích tìm hiểu về một câu chuyện mang tính nguy hiểm, thì lời khuyên của tôi là: đừng bàn đến câu chuyện Phục Sinh!
WARREN: Có một câu khá hài hước trong sách của ông: “Sự thể ‘người chết thì luôn luôn chết’ 2 không phải do các triết gia thời đại Khai Sáng3 khám phá ra.” Người chết không thể sống lại là điều hiển nhiên.
Chúng ta thường nghĩ rằng chủ nghĩa hoài nghi chỉ mới xuất hiện gần đây thôi, trong lúc nó đã xuất hiện từ lâu. Ông có thể cho biết dân Do Thái và cả dân không phải Do Thái thời bấy giờ có suy nghĩ gì khi nghe các sứ đồ nói về Chúa Giê-xu phục sinh?
WRIGHT: Cơ Đốc giáo ra đời trong một thế giới mà ai ai cũng nghĩ rằng tiền đề trung tâm của nó – sự phục sinh – là điều hết sức nực cười, và chính những Cơ Đốc nhân đầu tiên cũng biết vậy. Tuy nhiên đó không phải là sự phục sinh xảy ra cách ngẫu nhiên cho những trường hợp ngẫu nhiên; tiền đề của Cơ Đốc giáo là sự phục sinh đã thực sự xảy ra trong trường hợp của Chúa Giê-xu.
Tuyên bố này thoạt nghe có vẻ điên rồ; vì những người bình thường và tỉnh táo đều biết rất rõ rằng người chết không thể sống lại.
Người Do Thái trong giai đoạn hai thế kỷ trước Chúa Giê-xu và ít nhất một thế kỷ sau Chúa tin rằng vào thời kỳ cuối cùng, con dân Đức Chúa Trời sẽ được sống lại.
Nhưng câu chuyện phục sinh mà các sứ đồ của Chúa Giê-xu đang rao giảng thì không nói về sự sống lại đó, mà nói về một người được sống lại trước tất cả những người khác, chứ không phải sống lại cùng lúc vào thời kỳ sau rốt.
Trong thế giới ngoài Do Thái giáo, không có ai tin người chết sẽ sống lại. Người ta có nhiều suy đoán về nơi đến của linh hồn sau khi chết. Chủ nghĩa Platon cho rằng linh hồn con người sẽ đến “Hòn Đảo Phước Hạnh” là nơi mà cả ngày họ có thể bàn chuyện triết lý. Người theo phái Khắc Kỷ (Stoics) thì tin rằng sẽ có một cuộc đại hỏa hoạn thiêu hủy mọi thứ và sau đó thế giới sẽ được tái sinh và cứ thế lập lại theo chu kỳ.
Nhưng hầu hết mọi người đều hiểu rằng chết là hết. Đó là lý do khi Phao-lô giảng về sự phục sinh ở thành A-thên, nhiều người đã cười nhạo ông. Nó hoàn toàn không phù hợp với thế giới quan chết là hết của họ. Thế giới quan thời đó không có chỗ đứng cho sự phục sinh. Sự phục sinh đòi hỏi một thế giới quan mới: nếu bạn muốn hiểu được thế giới, hãy bắt đầu từ khái niệm phục sinh, rồi từ đó suy ra mọi thứ khác. Nếu Chúa Giê-xu thật sự đã sống lại thì mọi thứ đều sẽ khác.
WARREN: Sách “The Resurrection of the Son of God” chú trọng đến những lần Chúa Giê-xu hiện ra sau khi phục sinh, vốn được ghi lại trong các sách Phúc Âm. Lời chứng các môn đồ về việc họ đã thấy Chúa Giê-xu hiện ra được đặc biệt nhấn mạnh. Vì sao ông tin vào lời chứng của họ?
WRIGHT: Nếu bạn muốn hiểu cách người thời xưa suy nghĩ về cái chết và sự sống sau khi chết, bạn sẽ cần hiểu hai loại chứng cứ hội tụ với nhau.
Một mặt, môn đồ tường thuật về việc đến mộ Chúa Giê-xu và không thấy thi thể Ngài ở trong đó. Cần phải nói rằng, trong thế giới lúc đó, việc trộm cắp ở mộ phần là khá phổ biến, vậy nên một ngôi mộ trống chỉ có nghĩa là: “Chuyện hơi lạ,” và người ta vẫn có thể có cách giải thích hợp lý hơn về ngôi mộ trống, thay vì cho rằng Chúa đã sống lại.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, nếu có người tay chạm Ngài, mắt thấy Ngài trong thân xác, trò chuyện với Ngài, thấy Ngài chuẩn bị bữa sáng cho các môn đồ trên bờ biển, thì điều này hoàn toàn bất ngờ.
Hai điều này hội tụ và bổ sung cho nhau.
Chúng ta biết con người đã có những trải nghiệm—ngay trong gia đình tôi cũng từng xảy ra — việc một người vừa mới qua đời đột nhiên hiện ra trong phòng với những người thân quen trong chốc lát, rồi sau đó biến mất. Người thời xưa cũng có trải nghiệm như vậy. Họ dùng ngôn từ “cuộc viếng thăm của thiên sứ” để mô tả sự việc này. Trong Tân Ước, sách Công Vụ Chương 12, có kể về việc các môn đồ nghĩ rằng Phi-e-rơ đã bị giết trong tù; nhưng khi ông gõ cửa, họ nói: “Chắc là thiên sứ của ông.” Vì lúc đó người ta hiểu rằng khi người chết hiện ra là hiện tượng thiên sứ của người đó hiện ra, trước khi linh hồn người rời bỏ thế giới để đến một nơi khác.
Chỉ khi cả hai yếu tố bằng chứng cùng xuất hiện với nhau, thì lời chứng của các môn đồ mới có nghĩa. Nếu chỉ có ngôi mộ trống thôi thì có thể ai đó đã lấy cắp thi thể. Chính là Ma-ri Ma-đơ-len đã nghĩ như vậy khi thấy ngôi mộ trống. Còn nếu chỉ có Chúa hiện ra - trong lúc thi thể vẫn còn ở trong mộ, thì sự hiện ra đó cũng giống như cuộc thăm viếng của thiên sứ nói trên. Nhưng nếu Chúa hiện ra bằng xương bằng thịt trong lúc thi thể không còn trong mộ, thì chúng ta đang đối diện với một điều hoàn toàn khác. Đó là lý do tại sao bằng chứng này lại quan trọng đến vậy.
WARREN: Có vẻ như những lần hiện ra của Chúa có ý nghĩa rất quan trọng đối với các sứ đồ. Phao-lô đã nhắc nhở các tín hữu trong thư tín của ông rằng vào thời điểm ông viết thư, nhiều người đã từng thấy Chúa Giê-xu sau phục sinh hiện vẫn còn đang sống.
WRIGHT: Chính xác là vậy. Chương 15 của thơ thứ nhất gởi tín hữu Cô-rinh-tô, Phao-lô nhắc đến những người mà Chúa Giê-xu phục sinh đã hiện ra cùng—trước tiên là Phi-e-rơ, rồi đến các sứ đồ khác, và nhiều người khác nữa.
Sau đó, ông nói rằng “cùng một lúc, Ngài hiện ra cho hơn 500 anh em; phần lớn trong số này hiện vẫn còn sống”. Câu này có nghĩa: “Anh em hãy đi hỏi những nhân chứng còn sống này. Hãy tìm hiểu xem họ đã thấy gì.” Nói cách khác, không thể nào tất cả các nhân chứng còn sống này đều đặt chuyện hay bị ảo giác.
WARREN: Có khi nào ông từng nghi ngờ rằng sự phục sinh không từng thực sự xảy ra không? Hoặc ông có trải nghiệm những khoảnh khắc mà niềm tin vào sự phục sinh được củng cố mạnh mẽ hơn so với trước đó?
WRIGHT: Tôi nghĩ rằng mãi cho đến tuổi 18-19, tôi vẫn hiểu sự phục sinh như là "lên thiên đàng,” hoặc “linh hồn bay về thiên đàng”, và Chúa Giê-xu phải sống lại từ kẻ chết để dẫn đường cho mọi người lên thiên đàng hoặc tương tự như thế.
Khi tôi là sinh viên ngành lịch sử cổ đại tại đại học Oxford, tôi đã đọc cuốn “Miracles” (Phép Lạ) của C.S. Lewis. Lewis phân tích rất hay về những lần Chúa Giê-xu phục sinh hiện ra và những người đầu tiên nhìn thấy Ngài đã không lập tức nhận ra Ngài. Chúa rõ ràng có một thân thể, nhưng thân thể ấy dường như đã khác trước. Người ta giải thích điều này như là Chúa đã đi xuyên qua sự chết và bước ra ở phía bên kia, ở một trạng thái khác, vượt khỏi tầm với của sự đau đớn, hư hoại, phân rã và sự chết.
Điều này thì không giống với những bài giảng tôi từng nghe trong các nhà thờ, vốn thường chỉ tập trung vào cảm xúc cá nhân, kiểu như lời bài thánh ca: “Nếu hỏi chứng cứ Chúa sống đâu nào? Rằng Chúa sống trong lòng này.” 4
Khi đó, tôi nhận ra rằng hiểu như thế là chưa đủ.
Đúng là Chúa Giê-xu sống trong lòng chúng ta qua sự hiện diện của Đức Thánh Linh, nhưng sự thật về Chúa phục sinh không chỉ là một trải nghiệm tâm linh—mà là một sự kiện đã thực sự xảy ra trong lịch sử.
WARREN: Giả sử điều các sách Phúc Âm tuyên bố là đúng— là Chúa Jêsus đã sống lại. Nhưng tại sao thế giới vẫn tiếp tục như cũ: vẫn còn áp bức, đau khổ, tang tóc. Cái chết vẫn còn đấy. Vậy sự phục sinh của Chúa Giê-xu có ý nghĩa gì?
WRIGHT: Đây chính là câu hỏi mà người ta đã đặt ra ngay từ đầu, ngay cả khi Chúa Giê-xu còn đang thi hành chức vụ. Ngài rao giảng ở khắp nơi về một thế giới nơi mà Đức Chúa Trời làm Vua. Nhưng người ta lại nói: “Nhưng sao vẫn còn bao điều xấu xa xảy ra? Sao Hoàng Đế Sê-sa vẫn đang cai trị thế giới?”
Chúa Giê-xu đã liên tục dùng ẩn dụ để trả lời: Nước Đức Chúa Trời giống như một hạt giống lớn lên một cách âm thầm. Giống như một người gieo giống—có hạt rơi vào nơi đất xấu, nhưng có hạt sẽ sinh ra một mùa gặt bội thu. Người ta thường nghĩ rằng, nếu có một Đức Chúa Trời thật sự, nếu Ngài muốn biến đổi thế gian, thì sao Ngài không hành động ngay lập tức? Sao Ngài không ‘đưa xe tăng đến’—theo nghĩa bóng—để quét sạch điều ác?
Nhưng Bài Giảng Trên Núi cho biết rằng: Đức Chúa Trời biến đổi thế gian theo cách của Chúa Giê-xu, Ngài không gửi ‘xe tăng’ đến nhưng Ngài sai những người nghèo khó, những người đau khổ, những người đói khát công lý, những người nhu mì, những người sẵn sàng chịu khổ để biến đổi thế gian.
Cũng theo Bài Giảng Trên Núi thì đó cũng cách biến đổi thế gian của tin mừng phục sinh. Đức Chúa Giê-xu phục sinh, sống lại từ cõi chết, chính là hạt giống vĩ đại được gieo xuống. Và bây giờ, các cây lớn lên từ hạt giống đó đã lan rộng khắp mọi hướng.
Dĩ nhiên, điều xấu vẫn xảy ra. Điều xấu xảy ra ngay cả bên trong Hội Thánh. Chúng ta hẳn biết điều đó hơn ai hết. Nhưng cũng có vô số điều tốt đẹp xảy ra: sự chữa lành, sự hy vọng. Tất cả đều bắt nguồn từ hạt giống duy nhất là sự sống lại của Chúa Giê-xu từ cõi chết.
WARREN: Sự Phục Sinh đã thay đổi cuộc đời các môn đồ như thế nào? Và sự thay đổi đó có ý nghĩa gì đối với đời sống Cơ Đốc nhân ngày nay?
WRIGHT: Sự phục sinh có ý nghĩa vô cùng lớn, vì ngay cả những môn đồ trung thành nhất của Chúa Giê-xu cũng không hề nghĩ rằng Ngài sẽ sống lại. Họ bị suy sụp hoàn toàn khi Chúa chết. Nhưng rồi sự kiện Chúa Phục Sinh xảy ra—và sau đó là một điều kỳ lạ: Chúa Giê-xu trao ban chính sự hiện diện cá nhân của Ngài cho họ, đó là Đức Thánh Linh. Điều này đã cách mạng hóa họ, thay đổi họ cách triệt để. Họ không chỉ từ sợ hãi trở nên can đảm, sẵn sàng đi khắp thế gian rao giảng Tin Lành cho mọi người, mà họ còn thay đổi cả ‘chương trình hành động’ của chính mình.
Khi Chúa Jêsus bị bắt, một trong những môn đồ thân cận nhất của Ngài đã rút gươm ra sẵn sàng chiến đấu. Nhưng sau khi Chúa Phục Sinh, chúng ta thấy cách làm của họ đã thay đổi: Họ không còn chiến đấu bằng vũ khí, mà sống theo đường lối của Chúa Giê-xu — đó là yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bách hại mình. Như khi người tuận đạo đầu tiên bị giết, trong khi đang hấp hối, Ê-tiên đã kêu lớn: “Lạy Chúa, xin đừng quy tội này cho họ.” (Công Vụ 6:70 - BHĐ)
Cốt lõi tinh thần của cách Chúa Giê-xu thi hành chức vụ đã biến đổi các môn đồ. Sự Phục Sinh của Chúa đã cho họ thấy rằng chiến thắng không đến từ sức mạnh vũ khí, mà qua Con Đường Thập Tự và sự Phục Sinh.
Và đó là một thông điệp mang tính cách mạng vào thời đại đó cũng như vào thời đại hôm nay.
______________________________
1Câu chuyện mang tính nguy hiểm vì nó làm đảo lộn trật tự thế giới hiện hữu lúc đó: người chết không sống lại (BBT)
2Dead people stay dead. (ý nói người chết không thể sống lại – chuyện này ai cũng biết, không cần phải có người khám phá.) (BBT)
3Thời Đại Khai Sáng: the Age of Englightenment. Thời kỳ Khai sáng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tư duy nhân loại, đề cao lý trí, khoa học và quyền tự do cá nhân.
4Thánh ca 111 "Ngài Sống" dịch từ nguyên tác "He Lives" của Alfred H. Ackley (BBT)
______________________
Translated from: Tish Harrison Warren, “Did Jesus Really Rise from the Dead?” The New York Times, April 9, 2023. https://www.nytimes.com/2023/04/09/opinion/jesus-rise-from-the-dead-easter.html?searchResultPosition=1
Translated and posted with permission from the author.